Trên đỉnh bu lông có thể thấy rất nhiều ký hiệu khác nhau, các ký hiệu này thể hiện cấp bền bulong cũng như tiêu chuẩn của nó. Chúng cũng được dùng để phân biệt bu lông hệ inch và hệ mét. Để hiểu rõ hơn, hãy tham khảo cách đọc ký bu lông hệ mét và hệ inch trong bài viết dưới đây.
Tại sao cần biết cách đọc ký hiệu bu lông hệ mét và hệ inch?
Khi sử dụng bu lông, đai ốc, việc nắm được cách đọc các ký hiệu giúp đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong việc lắp ráp các mối ghép bu lông. Đặc biệt, khi làm việc với các bu lông và đai ốc cường độ cao, bạn cần hiểu rõ các chỉ số về độ bền kéo, giới hạn chảy và khả năng chịu lực để lựa chọn đúng sản phẩm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và tiết kiệm chi phí.
Bên cạnh đó, việc hiểu các ký hiệu bu lông cũng giúp bạn lựa chọn cờ lê cho bu lông một cách phù hợp nhất để đạt được hiệu suất lắp đặt tốt hơn.
Cách đọc ký hiệu bu lông hệ mét
Ký hiệu trên bu lông hệ mét chủ yếu dùng để chỉ cấp độ bền của bu lông, giúp phân biệt và xác định các đặc tính cơ học cơ bản của bu lông, như độ bền kéo và giới hạn chảy. Cấp độ bền của bu lông thể hiện khả năng chịu lực của nó, bao gồm lực siết, lực kéo, lực nén, v.v.
Bu lông hệ mét tại Việt Nam và các quốc gia Châu Á, Châu Âu chủ yếu được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 898-1, và ký hiệu của bu lông có thể là chữ số (4.6, 6.6, 8.8,…) hoặc chữ cái và số (A2-70, A4-70,…). Ký hiệu này giúp người sử dụng nhận diện độ bền của bu lông: số càng cao, cấp độ bền càng lớn.
Cách đọc ký hiệu bu lông có dạng: XX.X
Ký hiệu bu lông dạng này chúng ta có thể bắt gặp ở các loại thép carbon, thép hợp kim và những con số thường được sử dụng là 8.8, 10.9 hay 12.9,…
Và có thể giải mã ký hiệu XX.X như sau:
- XX trước dấu chấm: Biểu thị 1/100 độ bền kéo tối thiểu của bu lông, đơn vị là N/mm².
- X sau dấu chấm: Biểu thị giới hạn chảy, tính bằng 1/10 giá trị độ bền kéo tối thiểu, đơn vị là N/mm².
Ví dụ: Ký hiệu WG 8.8
- WG là tên nhà sản xuất bulong
- 8 trước dấu chấm: 8 x 100 = 800 N/mm² là độ bền kéo tối thiểu.
- 8 sau dấu chấm: 8/10 x 800 = 640 N/mm² là giới hạn chảy tối thiểu.
Cách đọc ký hiệu bu lông inox: Ax-X
Ký hiệu này được áp dụng cho bu lông thép không gỉ (hay bu lông inox), bao gồm các nhóm thép Austenitic (A), Martensitic (C), Ferritic (F). Nhóm thép Austenitic được sử dụng phổ biến nhất nhờ tính cơ học vượt trội của nó.
Chúng ta có thể hiểu các ký hiệu dạng Ax-X như sau:
- A: Thể hiện bu lông thuộc nhóm thép không gỉ Austenitic.
- x trước dấu “-“: Thể hiện cấp độ bền và khả năng chống ăn mòn của inox với 5 cấp độ từ 1 đến 5, trong đó cấp 2 và cấp 4 là phổ biến.
- X sau dấu “-“: Biểu thị độ bền kéo tối thiểu, tính bằng 10 lần giá trị, đơn vị N/mm².
Ví dụ: THE A2-70
- THE là ký hiệu tên nhà sản xuất bulong
- A: Ký hiệu của nhóm thép không gỉ Austenitic
- 2: Cấp độ 2 (SUS 304)
- 70: 70 x 10 = 700 N/mm² là độ bền kéo tối thiểu
Cách đọc ký hiệu bu lông hệ inch
Khác với hệ mét, ký hiệu bu lông hệ inch không sử dụng số và chữ, mà sử dụng vạch thẳng trên đầu bu lông để biểu thị cấp độ bền. Mỗi số vạch trên đầu bu lông tương ứng với một cấp độ bền nhất định, đồng thời giúp xác định giới hạn chảy và giới hạn bền của bu lông. Bạn có thể tham khảo ký hiệu cấp bền bulong hệ inch trong hình ảnh dưới đây.
Bu lông hệ inch có tổng cộng 17 cấp độ, nhưng trong thực tế, thường gặp nhất là các cấp 2, 5 và 8. Tùy theo yêu cầu của từng ngành nghề, bạn có thể chọn cấp bền phù hợp để đảm bảo độ an toàn và hiệu quả kinh tế cho công trình.
Ví dụ về các cấp độ bu lông hệ inch:
- Cấp 2: Không có vạch, sử dụng cho các mối ghép có kích thước nhỏ, chịu lực nhẹ.
- Cấp 5: 3 vạch cách đều nhau, sử dụng cho các mối ghép chịu lực nhẹ đến trung bình.
- Cấp 8: 6 vạch cách đều nhau, sử dụng cho các mối ghép có yêu cầu chịu lực cao.
Để đảm bảo công trình luôn đạt được độ bền và an toàn cao, việc hiểu và đọc đúng các ký hiệu bu lông là điều rất quan trọng. Hy vọng bài viết Phụ kiện ống THP chia sẻ đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về cách đọc ký hiệu bu lông hệ mét và hệ inch, giúp bạn lựa chọn đúng sản phẩm cho công việc của mình.